TÍCH TRỮ SỮA MẸ – NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN

Sau kỳ nghỉ thai sản, đã đến lúc mẹ phải quay trở lại công việc, rời xa con yêu từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày. Tích trữ sữa mẹ lúc này là một giải pháp “cứu cánh” cho trẻ bú dù không có mẹ ở gần.

Vậy làm sao để vắt cũng như bảo quản sữa đúng cách, giúp bé được hưởng trọn vẹn nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ? Dưới đây là 6 thắc mắc phổ biến về chủ đề được Putti Atti tổng hợp dưới đây các mẹ nhé.

1. Sữa mẹ nên được tích trữ bằng loại dụng cụ như thế nào?


Trước khi tiến hành vắt hoặc hút sữa, người mẹ cần nhớ rửa kỹ tay với xà phòng diệt khuẩn.

 Bình trữ sữa (bình nhựa, bình thủy tinh, hoặc bình silicon lỏng):
Vật dụng để tích trữ sữa mẹ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, có nắp đậy, làm từ chất liệu thủy tinh hoặc nhựa cứng không chứa Bisphenol A (BPA).
 Bên cạnh đó, mẹ có thể sử dụng bình chất liệu silicone lỏng (LSR). LSR là vật liệu tân tiến nhất hiện nay, được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động y tế sức khỏe,…. bởi tính không mùi, không vị, và vô hại với con người, không chứa chất gây rối loạn nội tiết tố. Bình sữa silicone lỏng có thể chịu nhiệt cao (lên đến 260°C). Putti Atti là một trong số ít hãng hiện nay có khả năng sản xuất các sản phẩm từ LSR. Với bình sữa Putti Atti, mẹ có thể tiệt trùng bằng nhiều cách khác như đun sôi, sử dụng lò vi sóng, dùng máy tiệt trùng tia UV,… và trực tiếp hâm sữa trong bình.

Túi trữ sữa:
 Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chủng loại túi trữ sữa làm bằng nhựa an toàn, có khóa zip, dùng để trữ lâu dài trên ngăn đá và dễ dàng sử dụng. Tuy nhiên các loại túi trữ sữa chuyên dụng có một nhược điểm, đó là chúng có thể bị rách, bị hở và dễ bị nhiễm khuẩn hơn so với các vật đựng bằng chất liệu cứng.
 Do đó để việc tích trữ sữa mẹ được đảm bảo nhất, hãy đặt túi trữ sữa vào trong một hộp đựng thực phẩm bằng nhựa cứng có nắp đậy kín. Và hãy nhớ tuyệt đối không bao giờ sử dụng những dụng cụ như các loại chai dùng một lần hay túi bóng thông thường để tích trữ sữa mẹ cho trẻ.

2. Sữa mẹ có thể được tích trữ trong thời gian bao lâu?

Thời gian mà sữa mẹ có thể tích trữ được phụ thuộc vào cách tích trữ sữa mẹ được áp dụng. Cụ thể:
– Tích trữ ở nhiệt độ phòng: 6h. Tuy nhiên thời gian tích trữ và sử dụng tối ưu là trong vòng 3h, và nếu căn phòng ấm áp thì giới hạn để sử dụng sữa cũng chỉ là 3h.
– Tích trữ trong máy làm mát cách nhiệt: 1 ngày
– Tích trữ trong tủ lạnh: sữa mẹ nếu được cất trữ ở khu vực sâu trong tủ lạnh và giữ vệ sinh sạch sẽ thì có thể bảo quản được trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên thời gian bảo quản và sử dụng tối ưu là trong vòng 3 ngày.
– Tích trữ trong tủ đông: 12 tháng. Tuy nhiên thời gian bảo quản và sử dụng tối ưu là trong vòng 6 tháng.

3. Làm thế nào để cất trữ sữa mẹ tốt nhất?

Hãy nhớ mỗi dụng cụ trữ sữa đều cần được dán nhãn đề rõ ngày lấy sữa (nên sử dụng các loại nhãn chống nước để tránh bị nhòe mực). Nếu tích trữ sữa chung với người khác, đừng quên thêm cả tên em bé bên cạnh ngày lấy sữa. Chỗ trữ sữa tốt nhất trong tủ lạnh hoặc tủ đông là ở sâu phía trong, nơi có nhiệt độ thấp nhất và ổn định nhất. Nếu vì lí do nào đó chưa thể để vào tủ lạnh hay tủ đông ngay, người mẹ có thể cất tạm phần sữa trữ ở trong thùng làm mát cách nhiệt.
Mỗi vật dụng dùng để tích trữ chỉ nên chứa lượng sữa mẹ đủ cho một cữ ăn của em bé. Với lần tích trữ đầu tiên, người mẹ có thể thử bắt đầu với thể tích từ 60 – 120ml, sau đó sẽ tùy thực tế mà điều chỉnh. Người mẹ cũng có thể trữ thêm một số phần sữa nhỏ hơn (khoảng 30 – 60ml) để dự phòng cho những tình huống bất ngờ. Thể tích sữa mẹ sẽ tăng lên khi ở trạng thái đông lạnh, do đó đừng nên đựng quá đầy trong dụng cụ tích trữ.

4. Liệu có thể thêm sữa mới lấy vào phần sữa đã tích trữ trước đó không?

CÓ. Người mẹ hoàn toàn có thể cho thêm phần sữa mới lấy vào trữ cùng với phần sữa đã được trữ trước đó trong tủ lạnh hoặc tủ đông (nhưng phần sữa mới lấy phải được lấy trong cùng một ngày với phần sữa đã được tích trữ trước).
Tuy nhiên người mẹ cần lưu ý, phải làm mát hoàn toàn phần sữa mới lấy (bằng tủ lạnh hoặc bằng máy làm mát với đá) trước khi cho vào cùng phần sữa đã được tích trữ đông lạnh. Lí do không được thêm ngay sữa mới lấy vào phần sữa đông lạnh tích trữ là bởi nhiệt độ từ sữa mới lấy sẽ làm cho chỗ sữa đã tích bị rã đông một phần.

5. Muốn rã đông sữa mẹ đã tích trữ phải làm như thế nào?

Hãy luôn nhớ lấy phần sữa được cất trữ lâu nhất ra sử dụng trước (tuân theo nguyên tắc cất trước thì sử dụng trước).

Nếu sữa được bảo quản trong tủ đông, hãy nhớ chuyển phần sữa định sử dụng vào tủ lạnh qua đêm để có thể sử dụng vào ngày hôm sau.

Sữa có thể được làm ấm bằng cách đặt dưới dòng nước ấm đang chảy hoặc ngâm trong một bát nước ấm. Đừng vội vàng làm nóng sữa bằng lò vi sóng hoặc đun trên bếp, bởi các phần trong sữa sẽ nhận nhiệt lượng không đều, phần sẽ quá nóng trong khi phần khác vẫn lạnh. Mặt khác dưới tác động của nhiệt độ cao, các kháng thể cần cho em bé trong sữa mẹ sẽ bị mất đi.

Dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định chắc chắn sữa đã rã đông sau đó trữ đông trở lại có an toàn để sử dụng hay không, nhưng hiện nay đa số chuyên gia khuyến cáo sữa đã rã đông chỉ nên sử dụng trong vòng 24 giờ, nếu quá thời gian này mà chưa dùng hết thì hãy bỏ đi.

6. Sữa đã rã đông liệu có màu sắc hay mùi vị khác với sữa mẹ bình thường không?

Màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi, phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn của người mẹ. Và sữa đã rã đông cũng có thể có mùi vị khác với sữa mẹ bình thường, nhưng nó hoàn toàn an toàn đối với em bé. Nếu em bé tỏ ra không thích, rút ngắn thời gian sữa được tích trữ có thể giúp giải quyết tình huống.